TÔI ĐÃ SỐNG SÓT QUA KHOẢNG THỜI GIAN CÔNG SỞ NHƯ THẾ NÀO?




Tôi đã sống sót qua khoảng thời gian công sở như thế nào?

Chốn công sở cũng giống như một xã hội thu nhỏ. Trong xã hội
đó, nó có những quy tắc, quy định riêng. Nó cũng là tập hợp của nhiều con người
tới từ nhiều nơi khác nhau, mỗi người đảm nhận một vị trí và vai trò nhất định.
Mặc dù nói là đã đi làm thì ai cũng như ai, đều là đi làm thuê thì việc gì cứ
phải làm khó nhau, nhưng thực tế thì không phải vậy. Môi trường công sở đôi khi
cũng đầy mâu thuẫn, áp lực tới mức một bạn sinh viên mới ra trường, những tấm
chiếu mới vào đời khó mà thích nghi được. Những viễn cảnh màu hồng, nhưng kỳ vọng
tươi sáng về một nơi làm việc mà bạn vừa được học, vừa được trả lương, vừa có
thể xem như đây là ngôi nhà thứ 2 của mình sẽ sớm bị sụp đổ. 
Tất nhiên không phải
công ty nào nó cũng đầy Drama như phim Hàn, hay u ám như phim của DC, nhưng mà
số lượng công ty “tình thương mến thương”, nơi từ sếp tới nhân viên đều yêu quý
lẫn nhau, đối đãi nhau bằng sự chân thành thực sự không nhiều. Đừng kỳ vọng một
ai đó xa lạ nơi công sở có thể dìu dắt bạn đi từ bậc thang này tới hết bậc
thang khác chỉ vì bạn là người mới, bạn nhiệt huyết và yêu công ty. Ừ thì có thể
là có đó, nhưng xác suất để bạn có thể gặp những người đồng nghiệp, người sếp
có tâm như vậy không cao. Thông thường thì những vận may kiểu đó sẽ luôn thuộc
về một người khác chứ ít khi là bạn.

Dưới đây là một số kinh nghiệm của mình
trong suốt một thời gian dài đi làm, có thể nó đúng với người này nhưng không
đúng với người kia. Các bạn hãy xem đây là một câu chuyện để tham khảo thôi
nhé.

Hãy tôn trọng người quản lý trực tiếp của mình, hạn chế vượt cấp

Trong mô hình cấp bậc ở công ty, ở mức thấp nhất sẽ là các
nhân viên bình thường. Ở trên đó nữa sẽ là các trưởng nhóm, trên nữa có thể là
các phó phòng, trưởng phòng, giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch… Một nhân viên bất
kỳ nào cũng sẽ có người quản lý trực tiếp của mình, người đó sẽ chịu mọi trách
nhiệm về công việc của họ và của các nhân viên dưới quyền họ trước cấp trên. 

Người quản lý trực tiếp này sẽ là người bạn tiếp xúc nhiều nhất, va chạm nhiều
nhất, học hỏi nhiều nhất. Cho dù cấp bậc của họ không cao, đôi khi chỉ là trưởng
nhóm trong 1 nhóm có 2, 3 người, nhưng hãy tôn trọng họ. Trước khi có báo cáo,
đề xuất, ý tưởng hay một câu chuyện muốn trình bày, hãy thảo luận với họ trước.
Thậm chí trong câu chuyện xin tăng lương, xin thuyên chuyển vị trí, bạn cũng
nên bàn với người quản lý trực tiếp của mình trước, cho dù họ không có quyền hạn
quyết định trong việc này. Nhiều bạn sẽ muốn đi thẳng vào phòng giám đốc để
trình bày mà không thông qua người quản lý trực tiếp của mình. Việc này thực sự
là không nên và rất thiếu tôn trọng lẫn nhau. Và cho dù bạn có báo hay đề xuất
trực tiếp tới giám đốc như thế, họ cũng sẽ yêu cầu người quản lý trực tiếp của
bạn vào để cùng nói chuyện. Tới lúc đó thì khó xử lắm.

Không ai là không thể thay thế, việc bạn nghỉ việc chẳng có
gì là to tát cả

 Khi đi làm, việc nghỉ việc là quá bình thường. Sẽ rất hiếm có một
ai làm mãi một công ty trong suốt nhiều năm, như bản thân tôi cũng đã làm qua
ít nhất 5 công ty trước khi có business riêng. Vấn đề ở đây là, nhiều bạn luôn
muốn xem việc mình nghỉ việc như một kiểu trả thù công ty, kiểu “không có mình
thì công ty này sẽ sụp đổ”. Sự thật là, khi bạn nghỉ, công ty vẫn sẽ hoạt động
bình thường, nó sẽ vẫn luôn ở đó, vị trí trống của bạn sẽ có một ai đó khác ngồi
vào. Không ai là không thể thay thế, cho dù đó có là một nhân viên bình thường
tới một tổng giám đốc đi chăng nữa. Đôi khi lý do bạn nghỉ việc là đúng, công
ty là người sai vì đã đối xử không đúng với bạn, nhưng những việc như vậy nó vẫn
luôn xảy ra. 

Cách tốt nhất là, nếu đã nghỉ rồi thì thôi, hãy tập trung tìm kiếm
một công việc mới phù hợp với bản thân. Đừng quan tâm công ty cũ sẽ thế nào nếu
thiếu mình, bởi vì nó vẫn sẽ ổn thôi. 

Đôi khi công ty chỉ cần người làm tốt ở một
vị trí, họ không có nhu cầu hơn 

Theo lý thuyết, khi bạn làm quá tốt công việc của
mình, bạn sẽ được tăng lương, tăng chức. Nhưng không phải công ty nào cũng vậy.
Có những công ty với quy mô vừa và nhỏ, số lượng nhân viên không nhiều, mô hình
hoạt động cũng tương đối cầm chừng. Người chủ của công ty đó không có ý định chấp
nhận rủi ro và mở rộng mô hình kinh doanh, phát triển doanh nghiệp lên một cột
mốc cao hơn mà chỉ muốn an toàn với những gì đã có. 

Những công ty kiểu này thường
chỉ muốn những nhân viên của mình, đặc biệt là những nhân viên ở cấp thấp hoàn
thành công việc được giao, không cần quá xuất sắc hay tạo đột biến. Có 2 vấn đề
sẽ xảy ra ở đây: 

  • Ở những công ty kiểu này, khi bạn làm quá tốt công việc của
    mình, bạn cũng sẽ rất khó được tăng lương hay tăng chức, bởi vì các chức danh
    trong công ty đã đầy đủ cả rồi, họ không thể tạo thêm một chức danh khác cho bạn
    được. Mức lương cũng đã có 1 barem từ trước, không thể tăng thêm. 
  • Họ không muốn
    bạn quá xuất sắc, quá giỏi, quá tham vọng, vì họ biết chắc chắn bạn sẽ có nhiều
    yêu cầu khác về đãi ngộ và sẽ rất dễ rời đi để tìm kiếm bến đỗ mới. Đây cũng là
    lý do nhiều bạn có một CV hoàn hảo, kinh nghiệm đầy mình nhưng lại không được
    tuyển dụng, mà lại mất Job vào tay một bạn khác ít kinh nghiệm hơn. 

Các bạn
cũng đừng vội chỉ trích những công ty kiểu này, bởi vì đó cũng là việc.. bình
thường. Đâu phải công ty nào cũng có thể to đùng như Vin, đâu phải công ty nào
cũng có văn phòng tọa lạc ở một cao ốc nào đó. Đâu phải công ty nào cũng có cả
trăm nhân viên với văn hóa riêng, doanh thu hàng chục tới hàng trăm tỉ. Cho nên
mới nói đôi khi việc làm ở công ty này mà không phải công ty kia là cái duyên.
Quan trọng là bạn có cách nhìn nhận đúng để có thể “ở, đi” đúng thời điểm hợp
lý. 

Bạn không thể đề xuất mức lương cao hơn người quản lý của bạn 

Có một vấn đề
thế này, nhiều bạn thường tham khảo mức lương mặt bằng chung ở trên mạng để đề
xuất tăng lương, nhưng lại không khảo sát mặt bằng chung lương của công ty
mình. Đúng là lương ở công ty là bảo mật và nhạy cảm, tuy nhiên nếu thực sự muốn
biết thì cũng không phải là không thể làm được. Việc này dẫn tới việc, mức
lương đề xuất của bạn đôi khi lại.. cao hơn mức lương hiện có của người đang quản
lý bạn (có thể là trưởng nhóm, trưởng phòng…). Sẽ rất ít có người sếp nào thoải
mái với “lính” của mình, khi lương của nó lại cao hơn mình, trong khi mình là
người quản lý và chịu trách nhiệm của toàn bộ công việc liên quan tới nó. 

Bây
giờ bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của một người Leader team Digital
Marketing, mức lương cứng của bạn đang là 20 triệu. Nhóm của bạn đang có khoảng
3 bạn với vị trí là Content, Ads, SEO. Sẽ thế nào nếu 2 trong 3 bạn này đề xuất
với bạn một mức lương cao hơn cả mức bạn đang có? Liệu bạn sẽ vui vẻ chấp nhận
và đề xuất mức lương đó lên giám đốc chứ? Bạn sẽ làm việc với nhân viên mình thế
nào khi mọi trách nhiệm thì bạn gánh, nhưng lương lại thấp hơn cả lính? (Mình
không nói với các vị trí có thu nhập dựa theo năng suất như Sale nhé, chỉ nói tới
các Job lương cứng thôi)? 

Thông thường những đề xuất tăng lương kiểu này sẽ khó
mà được duyệt, việc tiếp theo của bạn có lẽ lại là tìm một công ty mới, có thể
đáp ứng được mức mà bạn mong muốn. Chứ căn bản cũng khó mà làm tiếp lắm. 

Hãy
làm báo cáo, đề xuất, giải trình theo ý chí của lãnh đạo, không phải theo sách
vở 

Mỗi người sếp thường có một phong cách làm việc khác nhau. Có người rất
thích sự cầu kỳ, ví dụ như làm Slide thì phải đẹp, hiệu ứng thì phải chuẩn. Làm
báo cáo thì phải dài, dày, càng chi tiết càng tốt. Nhưng cũng có những ông sếp
chỉ thích nghe báo cáo miệng, đề xuất thì chỉ vừa trên 1 2 tờ A4 vừa đọc, tóm tắt
ý chính là được. Đã lên tới chức sếp thì chắc chắn họ phải hơn bạn, cả trình độ
công việc cũng như kỹ năng sống, nên họ sẽ có cái lý của họ. Việc của bạn là phải
nắm được ý của lãnh đạo, làm báo cáo, đề xuất, giải trình, họp hành theo cách họ
muốn, chứ không phải cứ thể hiện cái tôi của mình, làm theo cách mà bạn cho là
đúng nhất. Nói gì thì nói, họ đang là những người đang trả lương trực tiếp cho
bạn, làm theo cách của họ thì có làm sao đâu. 

Tôi thấy một bạn người mới thường
rất thích làm dài dòng và sách vở hóa mọi thứ. Mục đích là để chứng tỏ với sếp
mình cũng có trình độ, có khả năng, rất có năng lực. Đôi khi cái sếp cần chỉ là
một cái báo cáo đơn giản, tiêu bao nhiêu tiền, tiêu vào những gì, lời hay lỗ,
có nên tiếp tục hay không. Đó là những cái trọng tâm, những thứ quan trọng nhất,
nhưng bạn lại sa đà vào trình bày vào các thứ như là tỉ lệ click, số hiển thị,
số tương tác, tần suất lặp, concept hình ảnh, visual các kiểu, branding.. Khi
mà sếp không thích, không muốn nghe thì lại lên mạng than thở sếp không biết
cách làm Marketing, sếp muốn một phát ăn ngay.. Ở kìa, họ rứt ruột bỏ tiền ra
thì họ muốn thu lợi là đúng rồi, cái họ cần là kết quả chứ đâu phải quá trình
đâu… 

Bài viết tới đây cũng nhiều rồi, hẹn gặp mọi người trong một bài viết khác
nhé